THỰC NGHIỆM TIÊM FORCERIS TẠI MỘT SỐ TRẠI HEO CÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM
FORCERIS là sản phẩm đăng ký đầu tiên ở dạng tiêm, chứa đồng thời Toltrazuril và Gleptoferron. Đây là giải pháp sáng tạo từ Ceva giúp kiểm soát hữu hiệu bệnh do cầu trùng (Cytoisospora suis) và thiếu sắt (IDA – Iron Deficiency Anemia); giải quyết cả hai vấn đề quan trọng trên ở heo con chỉ bằng một liều tiêm duy nhất 1.5ml (tương đương 45mg Toltrazuril + 200mg sắt) mà không cần phân biệt trọng lượng.
ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT SẮT ĐẾN TĂNG TRƯỞNG
Thiếu sắt ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trọng heo con với hai trọng điểm: ảnh hưởng đến nhung mao đường ruột và hàm lượng hemoglobin trong máu. Giai đoạn đầu sau sinh là thời điểm quan trọng để phát triển đường ruột và các cơ quan tiêu hóa phát triển nhanh chóng. Trong suốt giai đoạn bú sữa, tá tràng sẽ thay đổi về hình dạng và cấu trúc, vi nhung mao tăng về chiều cao và độ sâu khe tuyến, độ dày thành ruột tăng lên. Thiếu sắt có thể gây ra sự thay đổi hình thái ruột bao gồm teo nhung mao và thay đổi tính thấm của ruột. Về tăng trọng, heo con có tăng trọng nhanh nhất trong tất cả các loài động vật có vú. Theo Szudzik (2018), tăng trọng sau một tuần là gấp đôi trọng lượng sơ sinh, sau 21 ngày là gấp 4 lần và sau 42 ngày là gấp 10 lần trọng lượng ban đầu. Trong một ổ đẻ, heo con có trọng lượng lớn và tăng trưởng nhanh thì khi cai sữa có nguy cơ thiếu sắt cao hơn so với các heo con có trọng lượng thấp (Bhattri, 2015).
Theo tác giả Sergi (2015), nghiên cứu trên 350 heo con cai sữa lúc 28 ngày tuổi với 3 nhóm heo trọng lượng cai sữa (TLCS) - thấp, trung bình, cao; nuôi đến 105kg thì thấy: số ngày nuôi có sự khác biệt rất lớn, chênh lệch 40 ngày giữa nhóm TLCS cao và nhóm TLCS thấp.
Một nghiên cứu khác (Collins, 2017) trên 720 heo con cai sữa trung bình 27±3 ngày. Trọng lượng cai sữa phân thành 3 nhóm: cao (TLCS >8.5kg), thấp (TLCS <6.5kg), vừa (TLCS: 6.5-8.5 kg). Theo dõi đến xuất thịt lúc 123 ngày tuổi, thì trọng lượng có sự khác biệt lớn (với p<0.01): nhóm TLCS vừa là 97.1kg (tiêu chuẩn), nhóm TLCS cao là 101.3kg, nhóm TLCS thấp là 89.6kg (thấp hơn 8.5kg so với trọng lượng chuẩn).
ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ SỬ DỤNG
Hiệu quả kiểm soát vấn đề thiếu sắt trên heo con được đánh giá ở 2 chỉ tiêu chính: tăng trọng heo con từ sơ sinh đến cai sữa và hàm lượng hemoglobin trong máu. Theo Hanl (2014), heo con được xem là thiếu máu lâm sàng khi
hàm lượng hemoglobin (Hb)<90g/l, thiếu máu cận lâm sàng khi Hb từ 90–110 g/l, mức tối ưu khi Hb>110 g/l. Trọng lượng cai sữa có thể là chỉ số trung bình và/hoặc xếp theo nhóm (cao, trung bình, thấp); từ đó làm cơ sở so sánh khác biệt giữa heo thực nghiệm và nhóm đối chứng.
Kết quả về cầu trùng được đo lường thông qua 2 chỉ tiêu: số lượng nang trứng (oocysts) và số lượng heo có bài xuất nang trứng cầu trùng qua phân. Việc đếm trứng cầu trùng được thực hiện vào thời điểm 7 ngày và 14 ngày tuổi heo con, đếm nang trứng bằng phương pháp Mc.Master.
KẾT QUẢ THỰC NGHIỆM TẠI VIỆT NAM
Việc đánh giá khi tiêm FORCERIS được tiến hành tại ba trại heo công nghiệp, quy mô từ 1200 đến 2400 heo nái, từ miền Nam đến miền Bắc Việt Nam. 568 heo con được tiêm FORCERIS, nhóm đối chứng là 588 con. Mục tiêu quan trọng là giữ độ đồng đều về trọng lượng lúc bắt đầu thí nghiệm, ngày tuổi và đảm bảo số ngày nuôi là như nhau, các nhóm đều nuôi trong cùng điều kiện chuồng đẻ.
Heo con được tiến hành thực nghiệm vào lúc 2-3 ngày tuổi; nhóm tiêm FORCERIS liều như nhau: 1.5ml/con; nhóm đối chứng được thực hiện theo quy trình đang áp dụng tại trại: tiêm 200mg sắt Dextran và cho uống Toltrazuril (20 mg/kg trọng lượng).
Kết quả so sánh sự khác nhau về trọng lượng cai sữa. Nhóm được tiêm FORCERIS có TLCS tốt hơn từ 130 đến 470 gram/con, sự khác biệt có ý nghĩa ở trại Quảng Nam (470 gr/con, với p<0.05).
Một thực nghiệm khác được tiến hành tại Bình Dương. Trại heo thí nghiệm được kiểm tra là dương tính với cầu trùng, mỗi nhóm heo thí nghiệm là 100 heo con. Nhóm thí nghiệm tiêm FORCERIS liều 1.5ml/con lúc 3 ngày tuổi, nhóm đối chứng điều trị dự phòng theo quy trình của trại (tiêm Sắt-dextran 200mg/con, cho uống Toltrazuril 20mg/kg thể trọng). Các chỉ tiêu theo dõi bao gồm:
- Trọng lượng cai sữa
- Tỉ lệ tiêu chảy
- Số heo có bài xuất nang trứng cầu trùng
- Hàm lượng hemoglobin trong máu
Lấy mẫu máu (tĩnh mạch tai) và đo hàm lượng hemoglobin bằng máy đo HemoCue tại thời điểm 3 ngày tuổi và khi cai sữa (21 ngày tuổi). Kết quả được xếp theo 3 nhóm: Hb cao (>11g/dl), Hb thấp (<9 g/dl), vừa (Hb: 9 – 11 g/dl).
Lấy mẫu phân heo con tại 2 thời điểm: 10 và 17 ngày tuổi. Mẫu phân heo con được lấy từ 3-5 heo con/ổ đẻ, trộn mẫu (1 mẫu/ổ đẻ) và đếm số lượng nang trứng cầu trùng bài thải qua phân theo phương pháp Mc.Master. Tính tỉ lệ heo có bài thải nang trứng cầu trùng qua phân.
Bên cạnh đó, những cá thể có tiêu chảy sẽ được kiểm tra (bằng phương pháp PCR) thêm các mầm bệnh tiêu chảy khác, bao gồm: Clostridium perfringenes, Salmonella, Rotavirus type A và PEDV. Kết quả như sau:
Heo con 3 ngày tuổi cho thấy tỉ lệ thiếu máu lâm sàng khá cao: 62% ở nhóm chưa tiêm FORCERIS, 39% ở nhóm đối chứng. Đây là tình trạng thiếu máu trước khi điều trị dự phòng, kết quả cải thiện sau đó tại thời điểm 21 ngày tuổi có khác biệt rõ rệt: nhóm tiêm FORCERIS có 79% heo con có Hb tối ưu, cao hơn nhiều so với nhóm đối chứng (51%), mặc dù nhóm heo tiêm FORCERIS có chỉ số Hb ban đầu thấp hơn (8.4 so với 11.4 g/dl).
Kết quả về tăng trọng cho thấy: nhóm tiêm FORCERIS có trọng lượng cai sữa cao hơn 200gr so với đối chứng.
Tỉ lệ tiêu chảy ở heo thí nghiệm khá cao: nhóm tiêm FORCERIS là 13%, thấp hơn nhiều so với nhóm đối chứng (22%). Những heo tiêu chảy được kiểm tra và cho thấy: dương tính với Clostridium và Rotavirus (type A). Sự tương tác giữa cầu trùng với các bệnh đường tiêu hóa khác (Clostridium và Rotavirus), làm tăng nguy cơ và mức độ heo con tiêu chảy của trại. Heo con biểu hiện tiêu chảy tương đối sớm, từ 5-15 ngày tuổi. Số heo có bài xuất nang trứng cầu trùng qua phân tương đối cao vào lúc 10 ngày tuổi, 44% ở nhóm tiêm FORCERIS và 22% ở nhóm đối chứng. Tuy nhiên, nhóm heo tiêm FORCERIS cho thấy hiệu quả rõ rệt vào lúc 17 ngày tuổi: 22% (giảm 50%) so với 44% ở nhóm đối chứng.
Qua đó cho thấy, mặc dù trại thí nghiệm có nguy cơ cao về tiêu chảy do cầu trùng và các bệnh đường tiêu hóa khác, trại có tình trạng thiếu máu lâm sàng khá cao (39-62%) ở nhóm thí nghiệm, FORCERIS vẫn đem lại hiệu quả tốt hơn so với nhóm đối chứng (điều trị dự phòng theo quy trình của trại).
SỬ DỤNG ĐÚNG CÁCH KHI TIÊM
Sữa đầu rất quan trọng và quyết định khả năng sống sót của heo con đến cai sữa nhờ cung cấp dinh dưỡng và đảm bảo tốt miễn dịch mẹ truyền cho heo con (kháng thể IgG/IgA, các tế bào miễn dịch và chất kháng khuẩn). Heo con mới sinh cần được giữ ấm (khoảng 35oC) và cho bú sữa đầu đầy đủ, đảm bảo mỗi heo con nhận được lượng sữa đầu từ 200–300 ml/con. Sữa đầu cung cấp hầu hết các dưỡng chất – ngoại trừ sắt với lượng rất ít (khoảng 1mg/ngày/heo con), đặc biệt là nguồn cung Selen và vitamin E, là hai thành phần quan trọng trong vai trò chống oxy hóa. Vì vậy, việc quan trọng nhất trong ngày đầu tiên là cho heo con bú sữa đầu. Tiêm sắt và phòng cầu trùng nên tiến hành sau đó, tốt nhất ngày thứ 2–3 sau khi sinh.
Tiêm FORCERIS cần đảm bảo đúng liều bằng cách dùng ống tiêm chuyên dụng do Ceva Việt Nam cung cấp, với đường tiêm bắp. Điều quan trọng, nên bắt giữ heo con nhẹ nhàng, lắc kỹ lọ dung dịch (khoảng 8-10 lần) và tiêm từ từ cho heo con.
KẾT LUẬN
Tuy trại thực nghiệm dương tính với cầu trùng và các bệnh đường tiêu hóa khác, trại có tình trạng thiếu máu lâm sàng ở mức cao, nhưng kết quả tiêm FORCERIS vẫn đạt hiệu quả cao và khả năng tăng trưởng đạt trọng lượng cai sữa cao hơn 200gr so với quy trình áp dụng tại trại. Trong điều kiện dịch tễ phức tạp và tình hình chăn nuôi hiện nay, kết quả này không chỉ có ý nghĩa về mặt kỹ thuật và năng suất, giải pháp tiêm FORCERIS còn giúp tăng tính tiện lợi và công lao động cho trại.
Tiêm FORCERIS giúp heo con có khởi đầu vượt trội hơn.
Chào mừng tới 333
Kết nối, chia sẻ và tương tác với cộng đồng chuyên gia lớn nhất trong ngành chăn nuôi heo.
Chúc mừng 153586 Người dùng trên 333
Đăng kýĐã là thành viên?